Ăn gì ở Hạ Long?

Một tác phẩm điêu khắc hùng vĩ của tự nhiên với những đường nét chạm khắc kỳ diệu của đảo núi hòa quyện với biển nước mây trời.

Một thành phố sôi động hiện đại đang vươn lên như vũ bão để trở thành một trong những thành phố thịnh vượng nhất Việt Nam.

Với sự kết hợp không tưởng của tuyệt sắc thiên nhiên và ánh đèn hiện đại, Hạ Long là một thành phố vô cùng đáng đến.

Trước khi bạn thả mình vào mây trời đảo núi trong chuyến lênh đênh ngoài vịnh, đừng quên dành một ngày cho thành phố Hạ Long sầm uất.

Bên cạnh việc thăm thú những địa điểm thú vị tại Hạ Long, hãy lấp đầy dạ dày bằng những món ngon không thể bỏ qua của thành phố dành cho những kẻ mê dịch chuyển này!

1. Chả mực – tinh hoa ẩm thực Hạ Long

Đến Hạ Long, không ai có thể cưỡng nổi sự hấp dẫn của món chả mực. Chả mực chính là niềm tự hào về ẩm thực của người Hạ Long. Đây cũng là món ăn vinh dự nằm trong Top 10 món ngon châu Á.

Phải giã tay thì chả mực mới có độ dai vừa phải. Nghệ thuật giã chả mực được gói gọn trong hai từ “giã rối”. Phải giã sao để đủ tạo độ kết dính cho miếng chả mực.

Nhưng vẫn phải còn những mảnh thịt nguyên để đi ăn ta nghe sần sật trong miệng – tạo cái thú vui cho người thưởng thức!

Với những kẻ kỹ tính, dù có nêm nếm khéo đến đâu, không có được cảm giác sần sật khi nhai là miếng chả mực coi như bỏ!

Lại nói đến nêm nếm sao cho vừa. Để chả mực có bản sắc riêng thì còn phải nhờ tới hạt tiêu bắc, bột nếp làm từ loại nếp cái hoa vàng, hành, v.v.

Sự khác biệt chính là ở công đoạn gia giảm gia vị, bởi thế nên dù đều là chả mực chính thống Hạ Long nhưng chả mực được làm từ các nhà khác nhau cũng đã có vị khác nhau rồi.

Chả mực ngon sẽ có màu vàng ruộm, ngoài giòn trong mềm. Cắn miếng chả mực, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm và sự mặn mòi của biển cả mà chỉ mực tươi vùng vịnh Bắc Bộ mới có được.

Làm chả mực không khó nhưng làm chả mực ngon như ở Hạ Long thì chỉ người dân chính gốc Quảng Ninh mới có bí quyết gia truyền.

Chả mực nhìn chung ăn cùng được với nhiều món, thậm chí ăn không. Nhưng kẻ sành ăn lúc thưởng thức chả mực nhất định phải ăn kèm xôi trắng hoặc bánh cuốn.

Bởi những thức đó khi kết hợp với nhau, sẽ càng tôn thêm cái vị của nhau mà đem lại một sự khoái trá vô cùng cho những tâm hồn ăn uống!

Muốn ăn bánh cuốn chả mực đúng chuẩn Hạ Long, hãy ghé thăm quán nhỏ của bà Ngân ở 34 Đoàn Thị Điểm, phường Bạch Đằng.

Hoặc bạn cũng có thể tới quán bà Yến sau rạp hát Bạch Đằng. Quán có cả xôi trắng chả mực và bánh cuốn chả mực, cho kẻ tò mò muốn thử hết tinh hoa.

Còn nếu có nhu cầu mua chả mực về làm quà, hãy ghé chợ hải sản Cái Dăm hoặc chợ cá Hạ Long. Nếu là người mộ điệu ẩm thực, đừng bỏ qua thứ quà bình dị nhưng thanh cao này!

2. Sá sùng – món ăn đại gia không nên bỏ lỡ

Sá sùng khô là đặc sản Quan Lạn Vân Đồn. Không phải ngẫu nhiên sá sùng lại được mệnh danh là món ăn “đại gia”.

Bởi sá sùng rất hiếm và đắt đỏ. Nhưng tiền nào của nấy. Nếu biết phóng khoáng chi tiêu, bạn sẽ được thưởng thức món ăn độc nhất vô nhị ở vùng biển Quảng Ninh này.

Sá sùng còn được gọi là Đại sâm. Đây là loại giun biển hiếm gặp. Khi chế biến, chúng có vị ngọt đặc trưng, thơm ngon vô cùng, mang hương vị đặc trưng của biển cả.

Món ăn phổ biến nhất từ sá sùng là sá sùng rang, sá sùng chiên chấm tương ớt. Chỉ cần 1 đĩa sá sùng, thêm ít rau thơm, vài hạt lạc cùng cốc bia Hạ Long thôi cũng đủ để bạn có thể lai rai cả ngày.

Hiện nay, sá sùng tương đối hiếm, có giá lên tới cả triệu đồng. Nếu muốn mua sá sùng về làm quà, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, tránh mua phải sá sùng Trung Quốc.

3. Độc đáo với những món ăn biến tấu từ Sam biển

Sam là loài sinh vật biển sống ở vùng nước sâu, dài đến cả gang tay. Thịt Sam thơm ngon, lại có vị ngọt mát, dai ngon vừa phải. Đến Hạ Long, nhất định bạn không thể bỏ qua đặc sản này.

Cách làm thịt sam rất cầu kỳ. Sam cái phải được lưu giữ 3-4 ngày cho sạch đất, người chế biến phải có kỹ thuật dùng dao khéo léo để thịt không bị thâm.

Đầu bếp sẽ chỉ lấy phần trứng và thịt, toàn bộ phần vỏ mai, ruột đều bỏ. Nếu người nấu ăn không tinh tế, chỉ giữ lại một chút lục phủ ngũ tạng cũng có thể khiến thực khách bị ngộ độc hoặc dị ứng ngay sau khi ăn.

Chính bởi những sự cầu kỳ và gian nan ấy nên món sam biển mới được liệt vào hạng đặc sản đắt đỏ khó kiếm.

Người ta có thể tạo ra hàng chục món ngon từ sam, thậm chí có thể đãi trọn vẹn một bữa tiệc từ sam.

Chẳng hạn, đầu bếp sẽ mời thực khách khai vị với súp, gỏi sam, chính tiệc với các món sam nướng, chả sam, trứng sam nướng, sam xào sả ớt, xào chua ngọt và kết thúc với miến hoặc cháo sam.

Người dân bản địa mách rằng, bởi sam sống theo cặp, luôn luôn quấn quýt không rời nên ăn Sam phải ăn cả cặp. Ăn 1 con dễ bị lạnh bụng, không thưởng thức hết được cái tinh túy của món ăn này.

4. Xuýt xoa món ăn vặt đường phố: bánh gật gù

Bánh gật gù có nguồn gốc tại Tiên Yên – một huyện miền núi phía bắc của tỉnh Quảng Ninh. Đây đã là món ăn đường phố du khách không nên bỏ qua mỗi khi có dịp đến thăm vùng đất biển Hạ Long này.

Sở dĩ có tên gật gù bởi khi cầm trên tay, miếng bánh sẽ lắc qua lắc lại như đầu của một kẻ đang tâm đắc với điều gì lắm.

Cũng có người giải thích rằng vì bánh thơm ngon nên thực khách phải gật gù nên mới có tên đó.

Người Hạ Long có luật bất thành văn khi ăn bánh như sau: người mời sẽ cầm bánh trước, chuyển động nhẹ nhàng để bánh gật gù 3 lần.

Sau đó, người khách cũng đáp lễ bằng cách tương tự. Sau đó, chủ và khách sẽ cùng thưởng thức món ăn này.

Cái thú của hành trình khám phá ẩm thực còn ở những lễ nghĩa và đạo lý chủ khách trong cách ăn dáng uống như vậy!

Để kẻ sành ăn phải gật gù với thức bánh này không phải chuyện đơn giản. Nó phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người pha mắm.

Bát mắm “chuẩn” phải được trưng với mỡ gà, ớt tươi, hành phi để có độ đậm đà và béo ngậy. Miếng bánh trắng muốt, giòn dai, nhìn đã thấy thơm ngon, ăn vào lại càng mê đắm.

Đến Hạ Long, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món bánh gật gù tại những quán ăn vặt.

Nhiều nhất phải kể đến khu ẩm thực đường phố sau nhà hát Bạch Đằng, phố Giếng Đồn. Còn muốn tìm đến “quê hương” của món ăn này, hãy đến quán bánh bà Cúc – số nhà 73; quán bánh bà Thía – số nhà 30A cùng nằm tại phố Hòa Bình – Tiên Yên – Quảng Ninh.

5. Bún bề bề – đỉnh cao ẩm thực Hạ Long

Bún bề bề chính là món “chưa ăn chưa biết Hạ Long”. Thật thiếu sót nếu đến Hạ Long mà không thưởng thức bún hải sản, trong đó bún bề bề được coi là đỉnh cao nhất.

Bề bề tươi sống đánh bắt trực tiếp từ vùng vịnh Hạ Long được luộc vừa chín tới và tách vỏ để nấu với xương làm nước dùng.

Một bát bún bề bề đúng điệu phải có sự góp mặt của cải ngọt, tôm nõn, thêm vài múi cà chua thái hoa cau để tạo màu sắc đẹp mắt.

Bún bề bề được ăn cùng các loại rau thơm nhằm làm tăng hương vị của món ăn.

Để có một bán bún bề bề ngon đúng điệu, hãy ghé thăm quán Khánh Tuyền – tổ 8, khu 3B, phường Giếng Đáy, hay quán Đông Bắc – số 6 Hải Phượng, phường Hồng Hải; quán Minh Phương – số 17 Hậu Cần.

Ngoài ra, quán bún ở đầu Cầu Trắng, Hà Tu cũng ngon nức tiếng.

No say với các món ngon Hạ Long rồi, hãy lên kế hoạch ra khơi để trải nghiệm một nét rất khác của Hạ Long – vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ của vịnh Hạ Long!

Tham khảo kinh nghiệm đi tour du thuyền xuyên vịnh Hạ Long – vịnh Lan Hạ – đảo Cát Bà để có một chuyến đi Hạ Long trọn vẹn và ý nghĩa!