Động Mê Cung Hạ Long
Động Mê Cung như một mái nhà ăn sâu vào sườn đá ở độ cao 25m trên đảo Lườm Bò và cách đảo Ti-tốp khoảng 2km về phía tây nam.
Mê Cung được các nhà khảo cổ học xác định là một di chỉ thuộc văn hoá Hạ Long sớm – cách đây từ 10.000 – 7.000 năm trươc.
Hang Mê Cung nằm trong vùng bảo vệ tuyệt đối của Di sản – Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long, có cấu trúc rất phức tạp, bao gồm nhiều cấp, nhiều ngăn, ngách trải rộng trong phạm vi mái đá với một hành lang dài hơn 100m, cao dần về phía tây để rồi trông xuống một hồ nhỏ như tên gọi của hang – hồ Mê Cung.
Nhìn tổng thể, hồ Mê Cung nằm lọt giữa các bức tường thành núi đá, dường như độc lập với biển khơi.
Qua một khe cửa nhỏ, lòng động mở ra thành nhiều ngăn, tuy nhỏ hẹp nhưng rất kỳ ảo, những nhũ đá mang hình những pho tượng, hoa văn tuyệt đẹp, nhũ đá từng chùm muôn màu rủ xuống từ trần động, những sư tử đá, gấu đá đang vờn nhau, những bức rèm đá chảy dài trên vách động…
Ra khỏi cửa động, leo tiếp vài bậc đá sắc nhọn lởm chởm, nhìn xuống dưới là một hồ nước bị núi vây kín rất tròn và rộng, bốn mùa nước xanh biếc phẳng lặng như mặt gương, trong đó là thế giới của các loài sinh vật quần tụ như cá, tôm, mực, rong, tảo, san hô, cua…
Bên cạnh là một khu đất có nhiều cây cổ thụ mà người dân thường gọi là khu “vườn thượng uyển”, đẹp đến mê hồn.
Qua những bậc đá cheo leo, một mái đá rộng nhô ra, khô ráo thoáng mát, lớp ốc suối Melina dày trải trên cửa động làm nền.
Ngoài vỏ ốc suối, ốc núi, trong động Mê Cung còn có các mảng vỏ trai, hến, sò và trùng trục – là những loài nhuyễn thể nước ngọt.
Xưa kia lớp ốc này dày tới 1,2 m được kết tầng bán hoá thạch ở phía ngoài. Gần đây còn phát hiện ra một bộ xương thú đã hoá thạch trong động.
Điều may mắn – theo các nhà khoa học là khi cải tạo hang Mê Cung, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thu thập và vẫn còn giữ được một tập hợp các xương thú đã hoá thạch hoặc bán hoá thạch.
Được các nhà khảo cổ học xác định là một trong những di chỉ thuộc nền văn hoá tiền Hạ Long sơ kỳ đá mới, cách ngày nay từ 7.000 đến 10.000 năm.
Trên đảo là các loài cây cổ thụ già nua soi bóng nước… Đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim, thú như khỉ, voọc, sơn dương, kỳ đà…
Theo các nhà khoa học, hồ Mê Cung là một khu vực sinh thái địa chất rất có giá trị nghiên cứu khoa học. Đây cũng là một cảnh rất sinh động về tự nhiên của khu vực này.
Để phục vụ khai thác du lịch, hang Mê Cung đã được cải tạo và vì thế tầng văn hoá chủ yếu của hang là ốc suối và ốc núi đã được cơ quan chức năng thu gọn vào phía trước cửa hang.
Là một trong các điểm tham quan thuộc tuyến số 2 của Vịnh Hạ Long (gồm Sửng Sốt – Mê Cung – Hang Luồn – Titop – Soi Sim), hang Mê Cung đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử, văn hoá.